Nghiên cứu tổng hợp keo dán sinh học có khả năng kháng khuẩn từ tinh bột và chitosan trong hệ nước

Trong dự án này, chúng tôi sẽ phát triển một loại keo dán sinh học từ hỗn hợp tinh bột biến tính và chitosan phân tử lượng thấp tan trong nước. Loại keo này có thể tiêm được và có khả năng kháng khuẩn. Cả hai loại nguyên liệu đầu vào đều được chiết xuất từ nguồn tự nhiên. Tinh bột được chiết xuất từ các loại ngũ cốc như gạo, khoai tây, bắp…, sau đó được oxy hóa để gắn thêm các nhóm aldehyde lên mạch polysaccharide; trong khi đó, chitosan phân tử lượng thấp tan trong nước được chiết xuất từ chitin. Chitin có nhiều trong vỏ các loại giáp xác như tôm, cua… Hai thành phần trên được hòa tan riêng biệt trong nước và sau đó được tiêm vào vết thương phẫu thuật bằng một xi lanh kép. Về mặt cơ chế, keo dán được hình thành thông qua phản ứng đóng rắn giữa nhóm aldehyde của tinh bột biến tính và nhóm amine của chitosan tạo thành liên kết imine, hay còn được gọi là Shiff’s base. Cũng theo cùng cơ chế, keo dán có thể kết dính với mô tại vết phẫu thuật bằng liên kết imine giữa nhóm aldehyde của tinh bột biến tính với nhóm amine của các axít amin trong protein của tế bào. Keo dán sinh học được kỳ vọng có khả năng tương thích sinh học tốt với tế bào do các thành phần của chúng là tinh bột và chitosan, có tính tương thích sinh học tốt. Hơn nữa, khả năng kháng khuẩn của loại keo dán này có thể đạt được do có chứa chitosan, một chất kháng khuẩn tự nhiên. Đặc biệt, keo dán được chế tạo hoàn toàn trong hệ nước nên thích hợp cho các ứng dụng bên trong cơ thể.

Các tin khác