Thông tin khoa học

Bệnh do virus Marburg có tỉ lệ tử vong cao, chuyên gia chỉ cách phòng ngừa

Bệnh do virus Marburg gây ra là dịch bệnh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao lên đến 80%, PGS.TS. Trần Đình Bình, Bộ môn Vi sinh, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế chỉ ra những biểu hiện lâm sàng và cách phòng và điều trị bệnh.

Bệnh do virus Marburg có tỉ lệ tử vong cao, chuyên gia chỉ cách phòng ngừa
WHO tìm vaccine phòng ngừa virus Marburg. Ảnh: WHO
Báo động bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg

Trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus Marburg tại các nước Châu Phi, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm do virus Marburg trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

Bộ Y tế đã ra công văn yêu cầu các địa phương trong cả nước có biện pháp tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bởi vì bệnh do virus Marburg được xếp loại nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Họ virus Filoviridae có hai giống là giống virus Ebola và giống virus Marburg. Giống virus Ebola có 5 loài. Các virus họ này có cấu tạo virus học giống nhau.

Về tính chất gây bệnh: Virus xâm nhập qua các tổn thương xây xát ở da, qua niêm mạc mắt, mũi hầu, tiêu hóa, virus theo đường máu và bạch huyết, chúng xâm nhập vào các tế bào trên bề mặt có biểu hiện lectin type C như đại thực bào, tế bào hình sao (dendritic cells), tế bào nội mạc, tế bào gan, tế bào mono, sau đó phát tán đến nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể.

Virus nhân lên và gây rối loạn và tổn thương cho nhiều cơ quan. Cơ chế sinh bệnh của sốt xuất huyết do virus ebola khá phức tạp. Tuy nhiên, sinh bệnh học của sốt xuất huyết ebola liên quan đến hai loại tổn thương chính.

Tổn thương trực tiếp do virus xâm nhập, nhân lên và gây hủy hoại tế bào của tổ chức và cơ quan. Tổn thương gián tiếp qua trung gian miễn dịch.

Thời kỳ ủ bệnh của sốt xuất huyết ebola thay đổi từ 2 - 21 ngày (trung bình từ 4 - 10 ngày). Bệnh biểu hiện bởi sốt, lạnh run, mệt mỏi, nhức đầu và đau cơ.

Sau đó xuất hiện các triệu chứng tổn thương nhiều cơ quan gồm suy kiệt, các triệu chứng tiêu hóa gồm buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy. Triệu chứng hô hấp có chảy mũi nước, ho, đau ngực, khó thở, phù và bệnh nhân có thể lẫn lộn, hôn mê.

Các biểu hiện lâm sàng: Các biểu hiện xuất huyết gồm chấm xuất huyết, mảng xuất huyết ở da, chảy máu bầm tím ở chỗ tiêm truyền, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng. Các giai đoạn sau của bệnh gồm choáng, co giật, rối loạn chuyển hóa nặng, rối loạn đông máu.

Bệnh nhân tử vong do choáng và suy nhiều cơ quan xảy ra trong khoảng ngày thứ 6 đến ngày 16 của bệnh. Tỉ lệ tử vong ở người bệnh có thể lên đến 80%.

Theo CDC, tỉ lệ tử vong do bệnh Marburg dao động từ 23%-90%. Trong một đợt bùng phát năm 2004 ở Angola, virus Marburg đã gây tử vong 90% trong số 252 người mắc bệnh.

Hình ảnh minh họa mô phỏng virus Marburg. Ảnh đồ họa: Hương Giang
Hình ảnh minh họa mô phỏng virus Marburg. Ảnh đồ họa: Hương Giang
Các biện pháp phòng tránh

Trên phương diện quốc gia và các tổ chức y tế thì biện pháp kiểm dịch y tế biên giới là rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp nghi mắc bệnh có thể xâm nhập vào từ các khu vực có lưu hành bệnh trên thế giới.

Nhân viên phòng xét nghiệm phải được tập huấn định kỳ về an toàn sinh học đối với các virus thuộc nhóm bệnh này. Trang bị đầy đủ dụng cụ bảo vệ cá nhân có độ an toàn sinh học cấp 3 cho nhân viên y tế khi tiếp xúc, làm việc với tác nhân nghi là virus Marburg.

Phòng bệnh đối với cá nhân, sử dụng các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt gồm các phương tiện phòng hộ cá nhân (vệ sinh tay, mang găng, áo quần bảo vệ, kính mắt, mạng che mặt) và khẩu trang đặc biệt khi tiếp xúc với người bệnh.

Để phòng tránh nhiễm trùng do virus này, cần phát hiện bệnh sớm, tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là dơi ăn quả, tránh ăn sống thịt động vật hoang dã.

Khi tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước Tây Phi về, nghi ngờ nhiễm virus cần đến cơ sở y tế sớm để khám và chẩn đoán.

Hiện nay chưa có vắc xin hay thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị. Bệnh nhân bị bệnh cần phải đưa vào khu cách ly đặc biệt. Thu gom chất dịch cơ thể của bệnh nhân (máu, dịch não tủy, tinh dịch, dịch tiết khác) và khử khuẩn triệt để bằng cloramin 1-5%, hoặc những chất khử khuẩn khác, nên dùng với nồng độ cao.

Quần áo, đồ dùng kim loại ô nhiễm có thể khử khuẩn bằng nhiệt (hấp áp lực 1210C/30 phút hoặc đun sôi 60 phút). Buồng bệnh được khử khuẩn bằng phun cloramin duy trì nhiều giờ. Thời gian theo dõi cách ly trong vòng 14 - 21 ngày sau khi phát bệnh.

 

 

TS. Đinh Phong Sơn st

Các tin khác