Thông tin khoa học

Một số khám phá thú vị về loài Ong

Một số khám phá thú vị về loài Ong

Nếu o­ng chúa là nhà “vô địch” về đẻ, thì o­ng thợ lại là những con o­ng vô địch về sự tạo ra những giọt mật thơm ngon. Mỗi đàn o­ng trong một vụ hoakhoảng 3 tháng có thể sản xuất ra vài tạ mật.

Để có 100 gram mật o­ng, một con o­ng phải bay một quãng đường là 46.000 km, bằng với khoảng cách của 1 vòng trái đất.

Một con o­ng có thể thụ phấn cho 7000 cây trong 1 ngày.

Một con o­ng có thể mang được 40 -50 mg mật o­ng trong dạ dày của mình, nhưng 70% mật được tiêu thụ trên 3 km của chuyến bay để bù đắp năng lượng trong cơ thể con o­ng. Đó là lý do tại sao đặt o­ng ở gần cây nguồn mật. Để có 1 muỗng mật o­ng (30gram) thì 200 con o­ng phải đi lấy mật cả ngày. Và lưu trữ mật o­ng trong 75 lổ tổ thì cần phải có 1 gram sáp o­ng.

Nếu đàn o­ng nặng 3 kg thì chỉ có 40-50% con o­ng tham gia đi lấy mật. Trong một lần đi lấy mật, thì số lượng o­ng này lấy được 500 gram mật o­ng về tổ. Số o­ng còn lại thì bận rộn với việc nuôi ấu trùng, xây tổ, chế biến mật o­ng và những công việc khác trong tố.

Một “nàng” o­ng chúa từ lúc sinh ra cho đến khi chết, mỗi ngày đều phải “sản xuất” ra 700-800 quả trứng.

Ấu trùng của o­ng chúa tăng kích thước đến 3.000 lần trong thời gian 5 ngày phát triển của nó, còn ở o­ng thợ là 1.500 lần.

Lỗ tổ có hình dạng hình học hợp lý nhất trong tự nhiên. Lổ tổ có độ chính xác đáng kinh ngạc: các góc của lổ tổ là 109028’. 100 lổ tổ yêu cầu tối thiểu là 1,3 gram sáp o­ng.

Con o­ng là nhà vô địch mùi, chúng cảm nhận và phân biệt mùi mạnh hơn 1.000 lần so với con người. Chúng ngửi được mùi hương của hoa ở khoảng cách hơn 1 km. Ngoài ra còn một số nghiên cứu sâu về loài o­ng này như:

Ong mật giúp tìm cách phục hồi bệnh nhân hôn mê

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand vừa được công bố trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Quốc gia (NASP), những chú o­ng mật có thể là đầu mối để các nhà khoa học tìm ra liệu pháp giúp bệnh nhân phẫu thuật gây mê toàn thân sớm phục hồi về cảm giác vốn bị chững lại do tác động của thuốc mê.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, những bệnh nhân trải qua ca phẫu thuật gây mê toàn thân sau khi tỉnh dậy thường có cảm giác bị "tụt hậu" so với thời gian, hoặc cảm nhận như thể họ đang sống tại một nơi có múi giờ khác.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Auckland ngày 17/4 cho biết, việc gây mê toàn thân đã làm thay đổi chức năng của các gene vốn đảm nhận việc kiểm soát đồng hồ sinh học của cơ thể. Tác dụng của thuốc gây mê toàn thân đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới một miền cảm giác khác khiến họ nghĩ đang sống ở múi giờ khác và sản sinh ra cảm nhận bị rớt lại so với nhịp điệu của thời gian.

Tiến sĩ Guy Warman, đến từ Khoa Gây mê của và khoa Khoa học sinh vật của trường đại học trên, cũng là người dẫn đầu nghiên cứu cho biết điều này giải thích một cách khoa học lý do tại sao bệnh nhân thức dậy sau quá trình phẫu thuật gây mê luôn có cảm giác như vừa trải qua sự việc chỉ vài ba phút. Kiểu tác động này có thể kéo dài ít nhất là ba ngày, thậm chí có sự hiện diện của các tín hiệu ánh sáng mạnh mẽ chỉ cho não bộ biết thời gian thực trong ngày.

Để phát hiện ra điều thú vị trên, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tác động của thuốc gây mê toàn thân đối với loài o­ng mật.

Ong mật là loài có khả năng nhận biết thời gian chính xác đến kinh ngạc, điều này cho phép chúng tìm được những bông hoa đúng nơi vào đúng thời điểm trong ngày.

Những chú o­ng này được huấn luyện để di chuyển đến một nguồn thức ăn cố định trước khi bị gây mê toàn thân.

Các nhà khoa học đã theo dõi kỹ hướng bay của những chúng sau khi thức dậy từ quá trình gây mê và xem hành vi tìm kiếm thức ăn của chúng bị trì hoãn trong vòng bao lâu. Kết quả cho thấy, nhận thức của những chú o­ng này về thời gian đã giảm đi rất đáng kể.

Ông Warman nói: "Bằng việc quan sát hành vi của chúng, chúng ta có thể thấy rõ khoảng thời gian trong ngày tồn tại trong não của những con o­ng và định hướng tác động của thuốc gây mê".

Một thuận lợi nữa để các nhà khoa học có thể dễ dàng so sánh là đồng hồ sinh học của loài o­ng này hoạt động theo cách thức tương tự với động vật có vú.

Bằng cách hiểu được tại sao các bệnh nhân lại có biểu hiện như thế, các nhà khoa học có thể tìm ra các liệu pháp điều trị cho họ sau ca phẫu thuật gây mê và hoàn toàn có thể cải thiện khả năng phục hồi nhanh sau phẫu thuật.

Các nhà nghiên cứu hiện đã sử dụng phát hiện mới của họ trong các nghiên cứu lâm sàng ở New Zealand, để kiểm tra mức độ "trì hoãn" nhận thức thời gian ở các bệnh nhân và tìm ra phương pháp điều trị.

Khả năng hóa giải độc tính thuốc trừ sâu của o­ng mật

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois, Hoa Kỳ, phát hiện các enzym trong ruột của o­ng mật có khả năng hóa giải chất độc của loại thuốc trừ sâu thường được sử dụng để diệt ve trong tổ o­ng mật.

Đây là nghiên cứu đầu tiên để tìm ra các cơ chế phân tử chính xác cho phép một loài côn trùng thụ phấn có khả năng miễn nhiễm khi tiếp xúc với các hợp chất có khả năng gây tử vong.

Kết quả của nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí tháng của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra các tổ o­ng mật đang bị ô nhiễm với một loạt các hoá chất nông nghiệp, nguyên do là những con o­ng đã mang về tổ o­ng các loại phấn hoa và mật hoa đã bị ô nhiễm thuốc trừ sâu, theo May Berenbaum, giáo sư côn trùng học, trường Đại học Illinois, Hoa kỳ, và là người đứng đầu nghiên cứu mới.

 

"Thuốc trừ sâu nông nghiệp hiện diện ở khắp mọi nơi", May Berenbaum nói. "Thuốc trừ sâu được tích luỹ trong sáp của tổ o­ng theo thời gian, nên o­ng mật thật sự sống chung với hóa chất độc hại này. Bởi vì thói quen tìm kiếm thức ăn rất đa dạng từ các loại hoa khác nhau (từ các loài thực vật khác nhau), vốn tồn tại trong các loại môi trường sống khác nhau, và cũng có thể có nhiều loại hóa chất khác nhau còn tồn đọng trong các bông hoa này."

Bên cạnh đó, một số hóa chất khác được phun trực tiếp lên tổ o­ng mật , Berenbaum nói. Trong 20 năm qua, người nuôi o­ng đã sử dụng acaricides, hoá chất được thiết kế để tiêu diệt ve nhưng không ảnh hưởng tới những thành viên o­ng mật trong tổ o­ng.

Dù rằng các bằng chứng cho đến nay không hỗ trợ ý tưởng việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu tổng hợp là một nguyên nhân gây ra hoặc đóng góp đáng kể đến việc rối loạn làm suy giảm bầy đàn;

Nhưng trong báo cáo đầu tiên vào cuối năm 2006 về cái chết hàng loạt với số lượng khổng lồ của các con o­ng mật:  "đây vẫn là minh chứng rất rõ ràng rằng thuốc bảo vệ thực vật không thực sự rất tốt cho bất kỳ loài côn trùng nào," Berenbaum cho biết. "Chính vì vậy, chúng tôi nhận thấy đã đến lúc cảnh báo mọi người về nguy cơ của việc sử dụng các loại hóa chất trong quá trình quá trình thụ phấn của thực vật."

Các nhà nghiên cứu tập trung vào sắc tố tế bào P450s, là loại enzym được biết đến bởi khả năng giải độc "có trong cơ thể của hầu hết các sinh vật hít thở,"Berenbaum nói. Nghiên cứu khác đã cho thấy sắc tố tế bào P450s trong cơ thể o­ng mật đóng vai trò then chốt trong việc hóa giải chất độc của thuốc trừ sâu pyrethroid, chẳng hạn như tau - fluvalinate, loại hóa chất được dùng để giết ve trong tổ. Nhưng không một nghiên cứu nào trước đây xác định cụ thể sắc tố tế bào P450s trong cơ thể o­ng mật hoặc ở các loài côn trùng thụ phấn khác đã góp phần hóa giải độc tính của pyrethroid, Berenbaum nói thêm.

Ở một loạt thử nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy 3 sắc tố tế bào P450s trong ruột giữa của o­ng mật làm nhiện vụ hoá giải độc chất tau fluvalinate. Họ khám phá ra rằng enzym này cũng hóa giải độc tính của thuốc trừ sâu coumaphos, xét về mặt kết cấu thuốc trừ sâu hợp chất hữu cơ chứa gốc phốt phát khác nhau cũng được dùng để giết các con ve bên trong tổ o­ng.

"Điều này khiến ta nghĩ rằng sắc tố tế bào P450s trong cơ thể của o­ng mật này hoạt động không được chuyên môn hoá," Berenbaum nói thêm. "Điều này dẫn tới khả năng một liều hóa chất độc hại tau-fluvalinate sẽ thật sự phát huy độc tính, nếu một enzym chủ yếu liên quan đến việc giải độc của nó đang bận rộn với một loạt các chất hóa học khác nhau."

Bằng chứng này cũng cho thấy o­ng mật "trước khi có khả năng giải độc" thuốc trừ sâu pyrethroid, Berenbaum cho biết thêm. Cấu trúc hóa học của thuốc trừ sâu Pyrethroids là tương tự như trong cấu trúc tự nhiên của các hợp chất phòng thủ, gọi là pyrethrins, được sản xuất bởi một số loài thực vật nở hoa. o­ng mật có thể đã có một lịch sử lâu dài tiếp xúc với hợp chất pyrethrins, vốn được tìm thấy ngay cả trong một số loài hoa thuộc họ Cúc dại (daisy). Dường như các enzym giúp những con o­ng mật hóa giải chất độc pyrethrins trong tự nhiên, cũng có thể giúp những con o­ng mật có khả năng hóa giải chất độc, khi phải tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật tương đối mới.

Phát hiện trên sẽ dẫn tới việc nỗ lực để phát triển các phương pháp kiểm soát ve trong tổ o­ng mật mới, sao cho giảm thiểu độc hại hơn đối với các con o­ng mật, Berenbaum cho biết.

Đồng tác giả của nghiên cứu này là Mary Schuler, giáo sư sinh học phát triển và tế bào, Đại học Illinois, Hoa kỳ, và nhà nghiên cứu Wenfu Mao, tiến sĩ tập sự.

Phát hiện loài o­ng "liếm mồ hôi người để sống"

Các chuyên gia Mỹ vừa phát hiện một loài o­ng mới kiếm ăn theo cách hết sức bất thường tại thành phố New York: liếm mồ hôi người để sống.

Một loài o­ng mới đang vi vu tại thành phố có biệt danh “quả táo lớn” của Mỹ. Loại côn trùng nhỏ xíu, cỡ bằng hạt mè, chủ yếu kiếm ăn trên mồ hôi người, theo nghĩa đen.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời nhà côn trùng học John Ascher của Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ cho biết những con o­ng này cứ đậu lên tay và nhấm nháp vị mặn của mồ hôi người.

Bắc Mỹ là quê nhà của hàng ngàn loài o­ng bản địa, nhưng từ lâu chúng đã bị lãng quên trước đồng loại o­ng mật nhập cư, vốn cho mật và sáp ngon ngọt hơn.

Do vậy, khi bắt được những chú o­ng kỳ lạ này tại công viên Prospect ở Brooklyn vào năm 2010, nhà khoa học Ascher phải mất nhiều thời gian mới xác định được danh tính của nó, nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia Jason Gibbs tại Đại học Cornell.

Khác với đồng loại châu Âu, o­ng mồ hôi không làm ra nhiều mật, nhưng hiếm khi đốt người. Chúng rất ưa thích các con mồi là những người hay đổ mồ hôi nhiều, theo chuyên gia Ascher.

Não loài o­ng đánh bại máy tính

Theo các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Royal Holloway của London, loài o­ng có khả năng tính toán để tìm ra quãng đường ngắn nhất bay tới các bông hoa mà chúng phát hiện ra, theo một trình tự ngẫu nhiên giống như một chiếc máy tính biết so sánh độ dài của tất cả các tuyến đường có thể có và chọn con đường ngắn nhất để đi.

Kết quả trên được công bố sau một thời gian các nhà nghiên cứu tiến hành làm thí nghiệm sử dụng máy tính điều khiển hoa nhân tạo để kiểm tra hành vi của loài o­ng. Họ nhận ra rằng, sau khi phát hiện ra vị trí của những bông hoa, những con o­ng luôn tìm được con đường ngắn nhấtđể tiết kiệm thời gian và năng lượng đến được chỗ của bông hoa, thay vì đi theo một lộ trình đơn giản là theo trật tự những bông hoa chúng phát hiện thấy.

Khi phải đi kiếm mật hàng ngày, những con o­ng sẽ bay tới các bông hoa ở nhiều địa điểm rất khác nhau, có khi cách xa tới hàng km và chúng phải sử dụng rất nhiều năng lượng cho các chuyến bay như vậy. Cách tiết kiệm năng lượng là tìm ra con đường ngắn nhất để tới đích.

Bộ não chỉ nhỏ bằng hạt giống cỏ của chúng đã khiến nhiều nhà nghiên cứu ngạc nhiên về khả năng có thể phân tích và tính toán, xác định khoảng cách trong khi con người hiện đại lại sống phụ thuộc quá nhiều vào mạng lưới luồng giao thông, thông tin internet và chuỗi cung ứng thông tin.

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể làm rõ cơ chế hành vi này của loài o­ng để từ đó giải quyết các vấn đề ở con người.

Loài o­ng có thể điều chỉnh tốc độ bay

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Emily Baird và đồng nghiệp tại Đại học Quốc gia Ốt-xtrây-li-a phát hiện o­ng mật có cách hiệu quả để duy trì hướng bay trong không khí và không va chạm vật cản.

Chúng có thể tự điều chỉnh tốc độ bay để giữ cho mọi vật vụt qua chúng với tần suất không đổi. Vì vậy chúng có thể điều chỉnh tốc độ và tránh va chạm với các vật thể khác mà không cần biết chúng đang bay ở đâu và cách mặt đất bao xa.

Các nhà khoa học biết rằng o­ng mật phụ thuộc nhiều vào thông tin thị giác để định hướng bay nhưng nhóm nghiên cứu của Baird muốn xác định liệu o­ng cũng dùng thị giác để điều khiển tốc độ bay, hay phụ thuộc vào một số giác quan khác để tăng tốc. Họ cho nhiều o­ng bay qua một đường hầm thẳng hình chữ nhật sau đó di chuyển các bức tường hai bên hầm để tạo ra những mô hình cùng chiều hoặc ngược với hướng bay của o­ng. Kết quả thử nghiệm cho thấy o­ng tự động điều chỉnh tốc độ bay để giữ môi trường xung quanh chúng không thay đổi.

Tất cả những gì chúng làm là quan sát vận tốc mà môi trường dưới đất và xung quanh đang di chuyển qua chúng và cứ thế bay theo vận tốc đó. Vì thế trong môi trường mở như trên cánh đồng, o­ng sẽ bay cao và nhanh nhưng khi vào môi trường ồn ào, chúng sẽ tự động giảm tốc để tránh va vào chướng ngại vật”, theo Baird.

Loài o­ng biết phân biệt hình phạt và phần thưởng

Theo một nghiên cứu của Pháp, tuy có bộ não nhỏ bé nhưng loài o­ng có khả năng phân biệt hình phạt với phần thưởng.

Loài o­ng từng được biết là có khả năng ghi nhớ mùi hay màu sắc liên kết với một phần thưởng, ví dụ như mật hoa. Nhưng các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu khả năng nhận thức ở động vật thuộc Viện Nghiên cứu khoa học Pháp đã chứng minh rằng chúng cũng có khả năng ghi nhớ mùi dẫn đến sự trừng phạt dưới dạng một cú điện giật nhẹ.

Khi quan sát những con o­ng ở phòng thí nghiệm được đặt trên một nền kim loại có thể tạo những cú điện giật hay cho chúng những miếng đường làm phần thưởng, các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng loài côn trùng này có thể học cách liên kết một mùi với một cú điện giật. Chúng rút ngòi vào khi ngửi mùi này và giương ngòi ra khi ngửi một mùi khác liên kết với một phần thưởng.

Các nhà nghiên cứu đã nhận dạng trong bộ não nhỏ bé của o­ng có hai amin, tức hai chất hóa học khác nhau tác động lên hệ thần kinh tùy theo tác nhân kích thích: đó là octopamine can thiệp khi có phần thưởng và dopamine khi có hình phạt.

                                                                                          Hồ Viết Hiếu (tổng hợp).

 

Các tin khác