Thông tin khoa học

Sinh thiết lỏng, một chỉ thị tiềm năng cho liệu pháp điều trị miễn dịch

Lược dịch và tổng hợp bởi TS. Quách Thị Thu Hương.

 

Sinh thiết lỏng(liquid biopsy) là loạixét nghiệm có thể đoliên tiếp (serial measurement) lượng DNA củakhối u lưu hành trong máu (circulating tumor DNA - ctDNA) (là loại DNA tự do nằm ngoài tế bào, có mặt trong máu do các tế bào ung thư chết giải phóng ra).

 Theo một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 ở Mỹ và Canada, khi sử dụng loại xét nghiệm này ở những bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ  (non-small cell lung cancer – NSCLC) giai đoạn muộn và đang trải qua liệu pháp điều trị miễn dịch, các bác sĩ có thể xác định được lợi ích của việc điều trị bằng các loại thuốc bổ sung trên bệnh nhân (Anagnostou, V et al., 2023). Cuộc thử nghiệm được tiến hành bởi các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư Johns Hopkins Kimmel và Viện Liệu pháp Miễn dịch Ung thư Bloomberg~Kimmel, Ung thư BC và Nhóm cácThử nghiệm Ung thư Canada (Cancer trials Group - CCTG).Kết quả được công bố ngày 9 tháng 10 trên tạp chí Y học của Nature (Nature Medicine) cho thấy những giá trị phân tích ctDNA khá khả quan trong việc dự báo sớm phản ứng của liệu pháp miễn dịch và có thể giúp định hướng điều trị bệnh nhân.

 Thông thường, liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) là việc sử dụng những thuốc giúp hệ thống miễn dịch chống lại bệnh ung thư. Mặc dù thành công trong việc cải thiện khả năng sống sót của người bệnh, nhưng một thách thức đặt ra là việc sử dụng hình ảnh để đánh giá kết quả đáp ứng điều trị có vẻ khá hạn chế. Lí do là vì những thay đổi trong chẩn đoán hình ảnh không phải lúc nào cũng phản ánh được hiệu quả của liệu pháp miễn dịch. Trong khi đó, việc sử dụng sinh thiết lỏng có thể giúp xác định dễ dàng hơn bệnh nhân nào đang đáp ứng tốt các liệu pháp miễn dịch và nó cũng có thể là điểm kết thúc mới cho các thử nghiệm lâm sàng sử dụng các liệu pháp điều trị này. Mặc dù các báo cáo thử nghiệm ban đầu có kết quả khá hứa hẹn nhưng làm thế nào để sử dụng tốt nhất những phương pháp này thì hiện nay vẫn chưa thử nghiệm lâm sàng nào thiết lập được cách thức cụ thể. Và do đó, thử nghiệm lâm sàng BR.36 (NCT04093167) đã được thiết kế để đáp ứng mục tiêu đó.

 Đây là thử nghiệm lâm sàng nhằm xác định vai trò của ctDNA như một thước đo phản ứng sớm với liệu pháp điều trị miễn dịch thông qua các bước. Bước đầu tiên là xác định phản ứng của ctDNa,  thời gian để phản ứng, và so sánh nó với các tiêu chuẩn vàng khác ví dụ như các chẩn đoán hình ảnh. Tiếp đó là sử dụng kết quả phản ứng của ctDNA để định hướng việc điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi loại NSCLC giai đoạn muộn.

 Hình 1: Sơ đồ minh họa thiết kế của thử nghiệm lâm sàng BR.36

a, Giai đoạn đầu tiên của thử nghiệm BR.36 lựa chọn những bệnh nhân mắc NSCLC giai đoạn muộn hoặc di căn nhưng chưa có những thay đổi về gen EGFR hoặc ALK có thể tác động về mặt lâm sàng và có mức biểu hiện PD-L1 ≥1%. Bệnh nhân được điều trị bằng pembrolizumab theo tiêu chuẩn chăm sóc địa phương và đánh giá đáp ứng bằng chụp X quang RECIST thực hiện 6 tuần một lần cho đến tuần 12 và trong khoảng thời gian dài hơn sau đó (xem phần Methods). Các mẫu sinh thiết lỏng hàng loạt được thu thập trước khi thực hiện điều trị ngày thứ 1 giai đoạn 1 (cycle 1 day 1 - C1D1) (mức cơ bản), ngày thứ 1 giai đoạn 2 (cycle 2 day 1 -C2D1 (3 tuần) và ngày thứ 1 giai đoạn 3 (cycle 3 day 1- C3D1 (6 tuần), sau đó là đánh giá phản ứng ctDNA tại các mốc thời gian này. Mục đích chính của thử nghiệm là xác định mốc thời gian tối ưu của phản ứng ctDNA cũng như đánh giá sự tương ứng của phản ứng ctDNA so với phản ứng RECIST phiên bản 1.1 trên X quang.

b, BR.36 đã đạt được mục tiêu chọn lựa 50 bệnh nhân phù hợp tiêu chuẩn; đối với từng cá nhân, các đánh giá chụp X quang và phân tích sinh thiết lỏng liên tiếp đã được thực hiện. Mẫu huyết tương C1D1 đã thu được từ tất cả 50 bệnh nhân; mẫu huyết tương C1D1 và C2D1 đã thu được từ 45 bệnh nhân; và mẫu huyết tương ở cả ba mốc thời gian đã thu được từ 39 bệnh nhân. Năm bệnh nhân bị coi là không thể đánh giá được do bỏ sót việc thu thập huyết tương hoặc không thể đánh giá được hình ảnh X-quang RECIST. Trong số 45 bệnh nhân được đánh giá thì có 10 bệnh nhân không thể phát hiện được ctDNA  ở mọi thời điểm lấy mẫu (không phát hiện thấy biến thể huyết tương đặc hiệu của khối u). Do đó chỉ có 35 bệnh nhân có phản ứng ctDNA và chẩn đoán hình ảnh RECIST có thể đánh giá được (Anagnostou, V et al., 2023).

 

 

Kết quả bước đầu cho thấy, việc kiểm tra ctDNA liên tiếp bằng giải trình tự gen thế hệ mới (một công nghệ hiện đại cho phép kiểm tra nhanh trình tự của hàng triệu gen mục tiêu) cho phép phát hiện các phản ứng với liệu pháp điều trị miễn dịch khá sớm, trung bình khoảng 8 tuần sau khi liệu pháp điều trị bắt đầu (Anagnostou, V et al., 2023).

 

Phản ứng ctDNA (khi ctDNA không còn tìm thấy trong máu nữa) không chỉ dự báo được việc khối u teo nhỏ xác định bằng chẩn đoán hình ảnh, mà còn cho thấy phản ứng ctDNA có thể dự đoán được thời gian sống sót của bệnh nhân chuẩn xác hơn, đặc biệt là với những bệnh nhân khó thấy tiến triển bằng chẩn đoán hình ảnh. Khi so sánh, các bệnh nhân có đánh giả phản ứng ctDNA có thời gian sống sót không tiến triển bệnh (thời gian mà bệnh không trở nên xấu đi) là 5.03 tháng so với bệnh nhân không có đánh giá phản ứng ctDNA là 2.6 tháng (Anagnostou, V et al., 2023).

 

Cùng với những kết quả hứa hẹn từ giai đoạn thứ nhất của thử nghiệm lâm sàng BR.36, các nhà khoa học đang tiến hành tiếp giai đoạn hai của thử nghiệm. Trong giai đoạn này, họ sẽ tiến hành đánh giá các hiệu quả lâm sàng tiềm năng khi điều chỉnh liệu pháp điều trị dựa trên kết quả phản ứng ctDNA của bệnh nhân sau 2 vòng điều trị với kháng thể đơn dòng pembrolizumab. Phản ứng ctDNA sẽ được dùng để xác định những bệnh nhân ung thư phổi có nguy cơ tiến triển bệnh cao, và những bệnh nhân này sau đó sẽ được chọn ngẫu nhiên để điều trị tăng cường (kết hợp pembrolizumab với hóa trị) hoặc điều trị chỉ bằng pembrolizumab (Anagnostou, V et al., 2023).

 

(Lược dịch từ bài báo Liquid biopsies could be used as an early marker of immunotherapy response, study finds của tác giả Megan Craig, link https://www.news-medical.net/news/20231009/Liquid-biopsies-could-be-used-as-an-early-marker-of-immunotherapy-response-study-finds.aspx)

 

Nguồn:

Johns Hopkins Medicine

 

Tài liệu tham khảo của bài báo: Anagnostou, V., et al. (2023). ctDNA response after pembrolizumab in non-small cell lung cancer: phase 2 adaptive trial results. Nature Medicine. doi.org/10.1038/s41591-023-02598-9.

Các tin khác